Phong tục cổ truyền đón tết Trung thu trên thế giới đều có những nét giống và khác nhau. Ở Việt Nam, trung thu thường được xem là ngày tết của thiếu nhi, còn ở Trung Quốc là Tết đoàn viên. Với những quốc gia khác như Hàn Quốc, Triều Tiên, Thái Lan… trung thu cũng là một lễ tết rất đặc biệt.
1.Việt Nam
Nhắc đến tết Trung thu thì bất cứ ai là người Việt Nam cũng đầy cảm thấy háo hức khi nó gợi nhớ về những kỷ niệm ấu thơ. Ở Việt Nam, tết Trung thu thường được xem là tết của thiếu nhi và cũng là dịp để mọi người trong nhà đoàn viên.
Trong ngày tết, nhà nhà thường bày mâm cỗ để ngắm trăng, trẻ em nô nức đi chơi với những chiếc lồng đèn hình ngôi sao. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo được mua về thắp hương sau đó để cả nhà phá cỗ. Mâm cỗ đón trung thu truyền thống của Việt Nam thường có bánh nướng, bánh dẻo, chú chó làm bằng tép bưởi và một số loại quả đặc trưng của mùa thu như chuối, hồng ngâm, thị, na.
2. Trung Quốc
Trung Quốc được coi là “cái nôi” truyền thống của tết Trung thu. Tết Trung thu, hay còn gọi là Tết Đoàn viên, rất được coi trọng ở Trung Quốc, bởi đây là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp. Ở mỗi vùng miền, phong tục đón tết Trung thu ở Trung Quốc có điểm khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là treo đèn lồng đỏ, ăn bánh nướng, múa lân, thưởng và ngắm trăng.
Một số hoạt động khác trong ngày trung thu là rước đèn lồng và múa rồng lửa để lấy may mắn và an lành về cho gia đình.
3. Hàn Quốc
Đối với người Hàn Quốc, trung thu là dịp lễ lớn, có thể coi như quốc lễ. Tết Trung thu của người Hàn được gọi là tết Chuseok hay còn gọi với tên khác “Lễ tạ ơn”. Đây là dịp lễ lớn trong năm nên người dân ở đây được nghỉ 3 ngày liên tiếp
Phần lớn người dân sẽ trở về quê thăm người thân, vì vậy mà các nhãn hàng ở đây sẽ có những đợt giảm giá lớn trước tết Trung thu một tháng để người dân tranh thủ mua sắm. Vé tàu cũng được bán hết rất nhanh. Người Hàn không ăn bánh Trung thu mà ăn bánh Songpyeon - bánh được làm từ bột gạo, có hình bán nguyệt.
4. Triều Tiên
Tết Trung thu ở Triều Tiên, mọi người làm món bánh xốp truyền thống có tên muffin (loại bánh có hình nữa vầng trăng và thường làm bằng bột gạo) và đem tặng cho nhau.
Khi mặt trăng tròn nhô lên, các thành viên trong gia đình cùng nhau ngắm trăng, tổ chức thi kéo co và hát múa và chơi trò đu dây truyền thống.
5. Nhật Bản
Vào dịp Trung thu, người Nhật thường lên chùa lễ Phật và tổ chức nhiều lễ hội. Người dân Nhật thường gọi trung thu là Lễ hội ngắm trăng, trẻ em cũng tham gia lễ hội rước đèn lồng cá chép.
Ở Nhật Bản tết Trung thu được gọi là Lễ Ngắm trăng. Vào những ngày này, người Nhật không ăn bánh nướng, bánh dẻo mà sẽ ăn món ăn có tên gọi là Tsukimi dango - một loại bánh nếp hình tròn, màu trắng như tuyết. Họ thường bày bánh theo hình tam giác và đặt vào những nơi thoáng đãng để vừa ăn bánh vừa ngắm trăng.
6. Thái Lan
Ở Thái Lan, tết Trung thu còn được gọi là Lễ Cầu trăng. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình sẽ ngồi quanh bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện. Trên bàn thờ được bày bánh hình quả đào và bánh Trung Thu. Người Thái tin rằng, Bát Tiên sẽ giúp họ mang những chiếc bánh này lên chúc thọ Quan Âm và thần tiên sẽ ban điều tốt lành đến cho mình.
7. Singapore
Ở Singapore, tết Trung thu diễn ra khá sôi động vì có cộng đồng người Hoa khá đông đúc sinh sống ở đây. Vào trung thu, khu Chinatown tràn ngập những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, ăn bánh và thưởng trà.
Đây là dịp để mọi người hàn gắn tình cảm, bày tỏ lòng biết ơn. Các đường phố ở Singapore sẽ treo đèn lồng rực rỡ đủ màu sắc trong dịp này.