Khu di tích lịch sử Đền Hùng là khu di tích quốc gia đặc biệt và cũng là một trong những khu du lịch văn hóa tâm linh trọng điểm của tỉnh Phú Thọ. Khu di tích lịch sử Đền Hùng thờ các Vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, với lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây đã trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, thể hiện tình cảm, sự ghi nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng và tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
Khu di tích lịch sử Đền Hùng là một quần thể di tích bao gồm: Cổng đền, đền Hạ, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, lăng Hùng Vương, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền thờ Lạc Long Quân
Cổng Đền
Cổng đền: Được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917) theo kiểu vòm cuốn cao 8,50m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Cổng có đề bức đại tự “Cao Sơn cảnh hành”
Đền Hạ: Được xây dựng lại trên nền móng cũ vào thế kỷ thứ XVII, kiến trúc kiểu chữ nhị gồm hai toàn (Tiền bái và Hậu cung), mỗi tòa ba gian, cách một khoảng lộ thiên 1,5m.Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc 100 trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc của cộng đồng người Việt, nghĩa “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây.
Chùa Thiên Quang: Được xây dựng vào thời Trần (Thế kỷ XIII – XIV) có tên gọi là “ Viễn Sơn Cổ Tự” đến thế kỷ XV được đổi tên là “Thiên Quang Thiên Tự”. Kiến trúc chùa kiểu chữ công gồm ba tòa là tiền đường, thiêu hương, tam bảo, chùa thờ Phật theo dòng Đại thừa.
Đền Trung( Hùng Vương tổ miếu) : Được xây dưng theo kiểu kiến trúc chữ nhất, có ba gian về hướng Nam. Tương truyền đây là nơi Vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng họp bàn việc nước và cũng là nơi Vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng , bánh giầy tượng trưng cho trời, đất.
Đền Thượng (Kinh thiên lĩnh điện - điện thờ trên núi Nghĩa Lĩnh) : tương truyền rằng thời Hùng Vương, đền Thượng là nơi vua Hùng tiến hành nghi lễ tín ngưỡng cầu mưa cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Thế kỷ XV đền Thượng được xây dựng lại theo kiến trúc chữ Vương như ngày nay, với kiến trúc đơn giản. Tại khu vực đền Thượng còn có “Cột đá thề” cao 1,30m; rộng 0,30m; hình vuông, tương truyền do Thục Phán dựng lên sau khi được Vua Hùng thứ 18 truyền lại ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Hùng.
Lăng Hùng Vương: Nằm ở phía Đông đền Thượng, có vị trí đầu gối sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam; tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Xưa kia có thể là mộ đất, đến thời Tự Đức (1870) cho xây mộ, dựng lăng, đến thời Khải Định (1922) trùng tu lại. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc tạo thành 2 tầng mái, 2 bên có 2 câu đối “Núi Tản sông Đà, non nước Lăng tẩm tự năm nào vẫn quay về đất Tổ; văn minh đương buổi mời con cháu Lạc Hồng giống nòi còn biết nhớ mồ ông”.
Đền Giếng
Đền Giếng: Được xây dựng vào thế kỷ XVIII, kiến trúc kiểu chữ công. Trong đền hiện nay vẫn còn giếng Ngọc, tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa ( con gái Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa, trị thủy nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Tại đền Giếng, ngày 19/9/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và căn dặn các cán bộ, chiến sĩ Đại đội quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội:
“…Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…”
Đến Đền Hùng ngày nay, du khách không chỉ thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng mà còn được thăm viếng đên Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ - một sự quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa thể hiện tâm đức và đạo hiếu của con dân đất Việt.
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân: Nằm trong quần thể khu di tích lịch sử Đền Hùng, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân cách núi Nghĩa Lĩnh về phía Nam khoảng 1km, được khởi công xây dựng năm 2007 đến tháng 3/2009 hoàn thành, kiến trúc chữ Đinh, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch bát, sơn son thếp vàng trên các bức kiến trúc gỗ. tròn đền có đặt tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân được đúc bằng đồng tư thế ngồi trên ngai, có trọng lượng 1,5 tấn, cao gần 2m. Đến với đền thờ Lạc Long Quân, du khách không chỉ thắp hương tưởng bái vị Quốc Tổ của Dân Tộc mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc mang đậm nét cổ kính và tận hưởng khung cảnh hùng vĩ nơi đây
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ: Được xây dựng trên núi Vặn cao 171m so với mực nước biển, là ngọn núi cao thứ nhì trong quần thể núi Hùng đúng với sự tích mẹ lên non, cha xuống biển. Đền cách núi Nghĩa Lĩnh về phía Bắc khoảng 2km, khởi công xây dựng từ năm 2001 đến đầu năm 2005 hoàn thành. Trong đền có tượng Mẫu và hai tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng với trọng lượng khoảng 2 tấn. Từ khu vực đền du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thành phố Việt Trì, xa xa là 3 dải sông Hồng, sông Lô, sông Đà uốn lượn như những con rồng ôm ấp chân núi mẹ. Đền mẫu Âu Cơ ở khu di tích Đền Hùng không chỉ mang ý nghĩa linh thiêng là nơi thờ Tổ Mẫu của đất nước mà còn là một điểm thăm quan cho du khách thập phương khi về với Đền Hùng.
Ngoài quần thể kiến trúc cổ kính, nghệ thuật tinh xảo, khu di tích lịch sử Đền Hùng còn có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú có giá trị về mặt đa dạng sinh học với 636 loài thực vật thuộc 429 chi của 144 họ; trong đó có 15 loài quý hiếm, có giá trị khoa học như: Trầm Hương, Kim giao, Gõ đỏ, Sến mật, bát hoa, chò nâu, giáng hương….Về giá trị kinh tế có tới 205 loài cho gỗ, 192 loài cho thuốc, 97 loài cho cây cảnh, 104 loài cho thực phẩm và 9 loài cho dầu, nhựa. Rừng quốc gia Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn có cây Đại trên 500 tuổi, cây thiên tuế trên 800 tuổi, cây chò nâu cao 30 mét, đường kính gốc 80cm…Khu rừng tự nhiên ở núi Nghĩa Lĩnh cùng hàng chục núi, đồi nhấp nhô được nằm giữa những hồ, đập trong quần thể hệ sinh thái Đền Hùng như: Hồ Gò, hồ Lạc Long Quân, hồ Hóc Trai, hồ Nhà Bìa…đã tạo cho nơi này cảnh sơn thủy hữu tình vừa hùng vĩ, vừa tôn nghiêm, bốn mùa ngút ngàn xanh chẳng khác nào bức tranh thủy mặc giữa vùng đất trung du huyền thoại.
Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn Dân Tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng bắt nguồn từ thời đạ Hùng Vương dựng nước và được tổ chức hàng năm từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành lễ hội mang tính văn hóa tâm linh lớn nhất nước ta; hàng năm đến ngày Giỗ Tổ và tổ chức lễ Hội, con cháu trên mọi miền Tổ quốc hành hương về với tấm lòng thành kính dâng lên Tổ tiên, tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân của dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng chủ yếu gồm hai phần: phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ được tiến hành với nghi thức trang nghiêm, trọng thể tại Đền Thượng, phần Hội được diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc dưới chân núi Hùng.
Trong phần Lễ: Nghĩ thức dâng hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh thành được tổ chức long trọng trên đền Thượng. Từ chiều mồng 9, các rước kiệu dâng lễ bánh giày, bánh chưng đã tập trung đông đủ dưới chân cổng Công Quán. Sáng sớm hôm sau, các đoàn đại biểu xếp hàng chỉnh tề đi sau cỗ kiệu rước lễ vật lần lượt đi lên đền trong tiếng nhạc của phường bát âm và đội múa sinh tiền. Tới trước cửa đền Thượng( kính thiên lĩnh điện), đoàn đại biểu dừng lại kính cẩn dâng lễ vào Thượng Cung. Đồng chí lãnh đạo Tỉnh thay mặt cho nhân dân cả nước (năm chẵn là đồng chí nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo bộ Văn Hóa, Thể Thao, Du lịch) kính cẩn đọc diễn văn Lễ Tổ. Toàn bộ nội dung hành lễ được truyền tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình đến đồng bào cả nước theo dõi lễ hội. Trong thời gian tiến hành nghi lễ, toàn bộ diễn trường tạm ngừng các hoạt động để đảm bảo tính linh thiêng và nghiêm trang của Lễ Hội.
Phần Hội: Diễn ra tưng bừng náo nhiệt xung quanh khu vực núi Hùng. Hội Đền Hùng ngày nay có thêm nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú hấp dẫn. Trong khu vực hội, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, văn hóa phẩm, các quán bán hàng dịch vụ ăn uống, các trại văn hóa của 13 huyện, thành, thị, các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao…tạo ra nhiều màu sắc sinh động, náo nhiệt cho bức tranh ngày hội. Các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian được tổ chức tại lễ hội như đấu vật, bắn nỏ, rước kiệu, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, thi kéo lửa thổi cơm, trò diễn “Bách nghệ khôi hài” và Trò Trám của Làng Tứ Xã, rước lúa thần… Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp như Chèo, kịch nói, hát quan họ, hát Xoan, hội diễn văn nghệ quần chúng phục vụ đồng bào về dự lễ hội. Trên khu vực Công quán luôn âm vang tiếng trống Đồng, tiếng giã đuống rộn ràng của các nghệ nhân dân gian người dân tộc Mường ở Thanh Sơn ra phục vụ lễ Hội.
Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng đã hình thành từ rất sớm và sự tồn tại của nó luôn gắn chặt với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, các Vua Hùng cùng các vợ, con, các tướng lĩnh, các nhân vật liên quan thời kỳ Hùng Vương luôn được nhân dân ở các làng, xã trên phạm vi cả nước tôn thờ.
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm là hành hương mang ý nghĩa tâm linh đã trở thành nếp nghĩ, nét văn hóa truyền thống không thể thiếu của người Việt; đó là truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.